Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dễ thấy rõ nhất là trong vài năm gần đây, nhiệt độ có xu hướng tăng dần theo từng năm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến canh tác cây trồng nói chung và sản xuất cây rau màu nói riêng. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, người nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc rau màu, nhất là khâu tưới tiêu và quản lý sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vào mùa khô, quá trình bốc thoát hơi nước trong đất và trong cây diễn ra rất nhanh sau khi tưới. Do đó, cây dễ bị thiếu nước cục bộ, nếu cung cấp nước tưới không đủ, cây sinh trưởng, phát triển kém, khả năng chống trội với sâu bệnh kém và giảm năng suất, chất lượng.
Vì vậy, khi canh tác rau màu, người nông dân cần lưu ý một số biện pháp sau:
1. Sử dụng giống chống chịu (giống chịu hạn) thích ứng với biến đổi khí hậu:
Mỗi loại rau trồng điều thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai theo từng vùng sinh thái. Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ có xu hướng tăng dần theo từng năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến canh tác cây trồng nói chung, cũng như cây rau nói riêng, vì thế cần sử dụng những giống rau có khả năng chịu hạn, chịu mặn thích ứng với biến đổi khí hậu. Các giống rau có khả năng chịu hạn tốt như: nhóm cây họ bầu-bí-dưa, rau muống, rau dền, đậu đũa, cà chua chịu nhiệt,…hoặc sử dụng các giống rau ghép gốc để tăng khả năng chống chịu tốt như: cà chua ghép gốc cà tím, khổ qua ghép gốc mướp,…
2. Lựa chọn đất trồng rau màu:
Việc lựa chọn đất trồng rau trong mùa khô rất quan trọng, nếu trồng rau màu trên nền đất cát thì sẽ gặp khó khăn hơn, do đất cát khả năng giữ nước kém hơn so với những loại đất khác vì thành phần cấu tạo của đất cát là những hạt rời rạc, không kết dính nhau. Do đó khi tưới, nước sẽ thấm nhanh xuống tầng bên dưới vì vậy phải tưới nước thường xuyên và tưới nhiều hơn, tốt nhất nên chọn đất sét pha thịt hoặc đất có khả năng giữ nước tốt để trồng rau màu.
3. Phủ liếp trồng để giữ ẩm cho cây:
Trong mùa nắng nóng, khi nhiệt độ càng cao thì lượng nước trong đất bốc hơi càng nhanh, quá trình thoát nước trong cây diễn ra nhanh chóng, nếu thời điểm này không tưới đủ nước kịp thời thì cây dễ bị héo, nếu thiếu nước kéo dài dẫn đến cây chết. Vì vậy, để giữ ẩm cho đất có thể sử dụng rơm rạ để phủ liếp, hoặc phủ liếp bằng màng phủ nông nghiệp sẽ giúp hạn chế bốc thoát hơi nước, cây rau sinh trưởng và phát triển thuận lợi hơn.
4. Phương pháp tưới nước:
Có rất nhiều phương pháp tưới tiêu cho cây rau, ngoài phương pháp tưới truyền thống trước đây: tưới thùng, tưới rãnh, tưới phun thủ công,…tuy nhiên, đối với phương pháp tưới này sẽ không đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây rau trong mùa khô, gây lãng phí nước, đồng thời tốn nhiều công sức và thời gian tưới. Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu, làm cho nhiệt độ gia tăng, hạn hán kéo dài, đặc biệt đối với những vùng trồng rau thiếu nguồn nước tưới thì phương pháp tưới tiết kiệm nước là phương pháp nhiều nông dân áp dụng, điển hình là tưới phun mưa tự động, tưới nhỏ giọt,… phương pháp tưới này mang lại hiệu quả cao cho cây trồng, vừa cung cấp đủ nước tưới cho cây, vừa tiết kiệm được thời gian tưới, lượng nước tưới trong mùa nắng khoảng 40 – 50%, tiết kiệm chi phí lao động (công tưới), đồng thời tăng năng suất cây trồng từ 15-30% so với phương pháp tưới truyền thống.
* Lưu ý: Nên lựa chọn thời điểm tưới nước cho cây rau thích hợp, tốt nhất nên tưới khoảng 2-3 lần/ngày. Tưới vào buổi sáng (trong khoảng từ 7-10 giờ), buổi chiều bắt đầu tưới từ 15-16 giờ . Không được tưới nước cho cây vào thời điểm từ 11-14 giờ, vì lúc này buổi trời nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, cây rau bị thiếu nước cục bộ, nếu tưới nước phun lên lá, nước động lại trên lá khi gặp nhiệt độ cao sẽ hấp thu nhiệt, xảy ra hiện tượng lá bị bỏng, dẫn đến lá bị cháy, khô và rụng.
5. Bón phân hữu cơ kết hợp vô cơ cho dinh dưỡng đầy đủ :
Trong mùa nắng nóng, ngoài việc cung cấp đủ nước, phủ liếp giữ ẩm cho cây thì việc bón phân cũng rất quan trọng. Ưu điểm khi bón phân hữu cơ sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất, đất trồng tơi xốp hơn, phân hữu cơ giúp giữ ẩm và dinh dưỡng tốt, bộ rễ cây phát triển tối ưu, phân vô cơ hàm lượng vừa đủ sẽ giúp cho cây có đủ chất dinh dưỡng để phát triển và chống lại bệnh. Từ đó cây trồng khỏe mạnh, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường (hạn hán, ngập úng, chống chịu sâu bệnh tốt hơn). Phân bón hữu cơ NPK Đình Vũ Orgamax 02 và NPK Đình Vũ 13-5-9 là 2 mã sản phẩm đáp ứng được đầy đủ những nhu cầu thiết yếu cho việc phát triển của cây và nhu cầu sử dụng của bà con : Tiết kiệm chi phí – Đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng – An toàn cho người sử dụng.
6. Quản lý và phòng trừ sâu bệnh hại:
Ngoài việc tưới đủ nước cho cây trong mùa khô, bên cạnh đó người nông dân cần quan tâm đến một số sâu bệnh hại chính sau:
* Rầy mềm, bọ phấn trắng, bọ trĩ (nhóm gây hại chủ yếu trên họ bầu, bí, dưa và họ cà, ớt)
+ Điều kiện phát sinh và gây hại: phát triển trong điều kiện nắng nóng và khô. Gây hại nặng ở thời kỳ cây con từ khi ra lá đến khi có bông.
+ Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, sau khi thu hoạch nên gom hết tàn dư (thân, dây, chèo) ra khỏi ruộng, làm sạch cỏ xung quanh ruộng rau để hạn chế nơi cư trú của các sâu hại; nên trồng đồng loạt và tránh gối vụ, kiểm tra ruộng thật kỹ để phát hiện sớm thuận lợi trong việc phòng trừ; chăm sóc cho cây khỏe. Đối với rau trồng trong mùa nắng nóng có thể sử dụng màng phủ nông nghiệp để phòng ngừa bọ trĩ, bọ phấn trắng; tưới phun mưa để duy trì độ ẩm trong đất. …Khi cần thiết có thể sử dụng thuốc có hoạt chất như Pymetrozin, Abamectin, Spinetoram và kết hợp với dầu khoáng để phòng trừ đạt hiệu quả cao.
* Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy
+ Điều kiện phát sinh và gây hại: Gây hại nặng trong mùa nắng nóng từ giai đoạn cây ra lá đến giai đoạn sắp thu hoạch
+ Biện pháp phòng trừ: Sau thu hoạch vệ sinh đồng ruộng, không trồng liên tục nhiều vụ họ thập tự trên cùng một chân đất, luân canh với cây khác họ như: xà lách, rau dền, mồng tơi,… hoặc rau mùi. Tốt nhất nên luân canh với bắp và lúa nước. Nếu cần thiết có thể sử dụng thuốc có hoạt chất để trừ sâu hại như: BT, Pyrethrin, Rotenone,…
* Bệnh héo cây con
+ Điều kiện phát sinh và gây hại: Thời tiết nóng, ẩm độ cao (khi có đợt mưa trái mùa trong mùa khô). Nấm bệnh tồn tại trên các loại rơm rạ, cỏ dại, hạch nấm tồn tại trong đất sau các mùa vụ trước, gây hại chủ yếu trong vườn ươm, giai đoạn cây con mới trồng.
+ Biện pháp phòng trừ: Chọn giống chống chịu bênh; khử giống trước khi trồng(ngâm hạt giống rau trước khi gieo bằng nước ấm để hạn chế bệnh); luân canh, bón vôi cho đất có độ pH thấp; lên liếp cao. Để phòng ngừa chết héo cây con có thể sử dụng chế phẩm Tricoderma tưới lên đất liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất trước khi trồng.
* Bệnh khảm(do virus): Chủ yếu gây hại trến nhóm rau họ bầu, bí, dưa và họ cà ớt
+ Điều kiện phát sinh và gây hại: Bệnh gây hại vào mùa nắng nóng, nhiệt độ cao, thời tiết khô hạn. Côn trùng chích hút là môi giới lan truyền bệnh như bọ phấn trắng, bọ trĩ, rầy mềm.
+ Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, nhổ và tiêu huỷ các cây bệnh, theo dõi mật độ các loại côn trùng chích hút và phun thuốc để phòng trị kịp thời.
Sản xuất rau màu trong mùa nắng nóng, người nông dân cần thăm đồng thuờng xuyên, phải cập nhật thông tin dự báo thời tiết, dự báo sâu bệnh của nhà chuyên môn hoặc theo dự báo của địa phương. Đặc biệt là theo dõi nhiệt độ biến động vào những ngày nắng nóng, từ đó để có biện pháp quản lý và chăm sóc cây rau màu phát triển tốt và đạt năng suất cao./.