Điều kiện sử dụng phân bón đúng
Vừa qua, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khởi động Dự án Sử dụng phân bón đúng (Dự án) với ngân sách 4,4 triệu USD. Để đảm bảo sự thành công của Dự án, các chuyên gia đã phân tích một số thách thức trong áp dụng bón phân “đúng”.
Thảo luận về giải pháp kỹ thuật để thực hiện hiệu quả Dự án, ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên một diễn đàn về phân bón có sự tham dự của các nhà quản lý cấp cao cả trong nước và quốc tế. Điều này mở ra cơ hội không chỉ cho nông dân thực hành canh tác hiệu quả, mà còn tiến tới xây dựng chính sách quản lý phân bón phù hợp.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học đất và phân bón, chuyên gia lưu ý một số điều kiện để sử dụng phân bón hiệu quả. Những kiến thức này giúp cải thiện quản lý phân bón, nhất là phân bón vô cơ, nâng cao thu nhập và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng với cây trồng.
Đầu tiên, chất lượng phân bón là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của việc sử dụng phân bón hiệu quả. Phân bón cần phải có thành phần dinh dưỡng và tỉ lệ phù hợp, được bổ sung thêm các yếu tố tăng cường hiệu quả như vi sinh vật, nano, vật liệu thông minh…
Để có thể khuyến cáo sử dụng phân bón đúng, rất cần có cơ sở dữ liệu cập nhật về đặc điểm đất đai. Tuy nhiên, vấn đề này đang là khoảng trống lớn cần cải thiện. “Việc thường xuyên điều tra, phân tích và cập nhật cơ sở dữ liệu về đặc tính của đất là rất cần thiết để phát hiện yếu tố hạn chế, xác định đúng liều lượng, đúng chủng loại phân bón cần thiết cho mỗi loại cây trồng trên mỗi loại đất, thậm chỉ cho mỗi mùa vụ, mỗi loại giống”, chuyên gia phân tích.
Ông Nguyễn Văn Bộ (ngoài cùng bên phải) là chuyên gia hàng đầu về sức khỏe đất.
Trong việc bón phân đúng, người nông dân giữ vai trò quyết định, khi họ đủ năng lực “trông trời, trông đất, trông cây” để bón phân đúng. Do vậy, người nông dân cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để sử dụng phân bón một cách hiệu quả và bền vững. Điều này có nghĩa là, các mục tiêu, kế hoạch, giải pháp kỹ thuật trong khuôn khổ Dự án phải dễ hiểu, dễ áp dụng và chi phí thấp.
Các thách thức trong triển khai Dự án
‘Sử dụng phân bón đúng’ là dự án được chủ trì và tài trợ bởi Cục Nông nghiệp Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nằm trong khuôn khổ Chương trình Thách thức Phân bón Toàn cầu (Global Fertilizer Challenge) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Các hoạt động của Dự án được xây dựng và thực hiện dựa trên nguyên tắc “4 đúng” (4Rs) trong quản lý dinh dưỡng, gồm đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng phương pháp. Theo ông Nguyễn Văn Bộ, ngay trong khuôn khổ dự án cũng có sự hiểu khác nhau về nguyên tắc “4 đúng” và rất cần sự thống nhất giữa các bên để dễ dàng đào tạo, tập huấn và truyền thông.
Về mục tiêu dự án, ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng, mục tiêu dự kiến “Phát triển, đánh giá các giải pháp thay thế cho phân bón hóa học” là thiếu tính khả thi và dễ gây nhầm lẫn. Ông đề xuất điều chỉnh thành “Phát triển các giải pháp hài hòa nguồn dinh dưỡng từ phân bón hóa học, phân hữu cơ và các nguồn dinh dưỡng khác”.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam cũng mong muốn thông qua dự án này được tiếp cận với các loại phân bón thế hệ mới cũng như công nghệ sản xuất mới của Hoa Kỳ và nếu phù hợp, họ sẵn sàng nhập khẩu sản phẩm và công nghệ về Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về xử lý phụ phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Những phụ phẩm này chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng cần phải được chuyển hóa một cách hiệu quả để tối ưu hóa giá trị, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Do vậy ông Bộ đề nghị Dự án hỗ trợ công nghệ để xử lý phụ phẩm, trước mắt là rơm rạ để bổ sung thêm nguồn phân hữu cơ và chất dinh dưỡng cho cây lúa.
Quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón đúng
Tại diễn đàn, ông Bộ cũng kiến nghị, để có phân bón chất lượng tốt, minh bạch trong quản lý, cơ quan chức năng liên quan nên xem xét cải tiến các khâu cấp phép sản xuất và lưu thông phân bón theo nguyên tắc tiền kiểm chặt chẽ với điều kiện sản xuất và hậu kiểm với sản phẩm. Với phân bón, chỉ cần đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu về chất dinh dưỡng, hữu cơ, vi sinh vật có ích… và ngưỡng tối đa với kim loại nặng và vi sinh vật gây hại, độ ẩm… Với cách tiếp cận này, cần chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra.
Trong bối cảnh ngành phân bón nước nhà đang dần được chuẩn hóa, Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm từ các nước sử dụng nhiều phân bón như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc về quản lý phân bón. Do vậy, ông Bộ đề xuất Dự án bổ sung hợp phần “Pháp chế phân bón” để hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với mô hình quản lý phân bón tiên tiến và hiệu quả. Thêm nữa, nhằm tạo điều kiện cho các phân bón thế hệ mới nhanh chóng vào Việt Nam, chuyên gia khuyến nghị cần cải thiện quy trình khảo nghiệm, công nhận phân bón mới.
Khi có thêm sự quan tâm, đầu tư nguồn lực và nhân lực cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển phân bón mới, sẽ kéo theo những chính sách mới và sự quan tâm của xã hội. Ông Bộ nhấn mạnh, thay đổi nhận thức về phân bón và tác động của chúng tới môi trường là hành trình dài, cần sự nỗ lực của tất cả các cấp.