Thời tiết nắng nóng, xen kẽ những cơn mưa đầu mùa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu hại, nấm bệnh phát sinh phát triển trên cây lúa và các loại cây trồng….
Năm 2024 được đánh giá là một trong những năm thời tiết khắc nghiệt nhất. Nắng nóng gay gắt và kéo dài khiến cây lúa kém phát triển ngay từ đầu vụ. Nhiều nơi, hạn mặn kết hợp sâu bệnh hại tấn công làm tình hình canh tác vụ hè thu 2024 thêm khó khăn.
Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mưa đã xuất hiện ở nhiều nơi. Theo ngành nông nghiệp, thời tiết nắng nóng, xen kẽ những cơn mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu hại, nấm bệnh phát sinh phát triển trên cây lúa.
Tại huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, diện tích lúa hè thu đã xuống giống khoảng 4.000 ha. Hiện, tình hình hạn mặn vẫn đang diễn biến phức tạp. Nắng nóng gay gắt với nhiệt độ từ 38°C-40°C và kéo dài khiến nhiều ruộng lúa bị thiếu nước, cây lúa úa vàng, chậm phát triển và đẻ chồi, thậm chí nhiều chồi lúa bị khô héo và chết.
Với các ruộng lúa có biểu hiện này, bà con cần lưu ý nên phun một số kích thích tố sinh trưởng để gia tăng khả năng chống chịu với điều kiện nhiệt độ cao này cho cây lúa.
Đồng thời, dịch hại cũng đã xuất hiện và gây hại cho nhiều trà lúa. Tuy nhiên, mật độ chưa cao. Dù vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con nên chủ động thăm đồng thường xuyên, chăm sóc cây lúa khỏe bằng cách bón phân cân đối.
Không nên vì giá lúa cao, mà đầu tư quá nhiều, bón thừa phân, nhất là phân đạm dẫn đến cây lúa yếu, sâu bệnh dễ tấn công, đồng thời thân rạ yếu dễ đổ ngã. Bà con chỉ nên phun thuốc diệt trừ sâu bệnh hại khi ruộng lúa xuất hiện với mật độ nhiều ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cho ruộng lúa.
Theo các nhà khoa học, để phòng ngừa hiệu quả sâu bệnh hại, nhất là giai đoạn đầu vụ hè thu, bà con nên áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh, ứng dụng đồng bộ các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, làm đất, chọn giống kháng bệnh, xử lí hạt giống, giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 80kg/ha, không phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau sạ để bảo vệ thiên địch, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, bón phân thông minh, nhất là những vùng đất bị nhiễm mặn phèn, khu vực ven biển cần cải tạo đất kỹ trước khi xuống giống, cụ thể:
– Bón lót đầu vụ bằng phân bón chuyên dùng NPK 6-9-3, lượng bón từ 100 – 150 kg/ha; hoặc dùng chế phẩm Bio canxi vừa hỗ trợ phân hủy rơm rạ vừa cải tạo đất giúp tăng pH.
– Giai đoạn, từ 7-10 ngày sau khi gieo sạ, bón thúc lần 1: Bón phân Đình Vũ NPK 13-5-9, lượng bón 100-150kg/ha
– Giai đoạn đẻ nhánh, từ 18-22 ngày sau sạ, bón thúc lần 2: Bón phân Đình Vũ NPK 13-5-9, lượng bón 100-150kg/ha
– Giai đoạn bón phân đón đòng, từ 38-42 ngày sau sạ, bón thúc lần 3: Bón phân Đình Vũ NPK 12-12-17 hoặc NPK 15-9-20, lượng bón 100-150kg/ha.
Sẽ giúp cây lúa khỏe, cứng cây, tăng khả năng chống chịu thời tiết bất lợi, từ đó phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả hơn.
Đối với các đối tượng sâu bệnh hại thường gặp ở đầu vụ hè thu như bọ trĩ (hay còn gọi là bù lạch), và sâu cuốn lá, … bà con chú ý:
– Với bọ trĩ, bà con không nên phun thuốc diệt bọ trĩ mà nên quản lí bằng cách làm đất kỹ; Bón phân thúc, giai đoạn lúa 7-10 ngày sau sạ; Đối với lúa nhỏ, dưới 10 ngày sau sạ nếu ruộng lúa xuất hiện bọ trĩ mật độ ít thì bà con bơm nước ngập ruộng trong thời gian 1 buổi hoặc 1 đêm và không cần phun thuốc diệt; Đối với lúa 10-15 ngày sau sạ, ruộng khô thì sử dụng phân phun qua lá chứa canxi, silic, sắt, kẽm,…
– Với sâu cuốn lá, để phòng trừ hiệu quả, bà con cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch vì giai đoạn này khi sâu gây hại ở mật độ thấp, sự thiệt hại không đáng kể do cây lúa có khả năng tự bù đắp.
Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30-40 con/m2. Trong giai đoạn đòng-trổ mật độ khoảng 15-20con/m2 mới phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1-3 thì tiến hành phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn.