Theo trang chuyên về phân bón DTN của Mỹ, giá trung bình trong tuần kết thúc vào 22/4 của 7 loại phân bón tăng, riêng ure giảm so với tuần trước đó.
Ba loại gồm UAN28, UAN32 và phân lót 10-34-0 tăng 3% so với tuần trước đó lên lần lượt 631 USD/tấn, 730 USD/tấn và 1.534 USD/tấn. UAN28 và UAN32 đều lập kỷ lục mới.
Phân khô và MAP đều nhích lên 1% và lần lượt ở 906 USD/tấn, 1.079 USD/tấn. Kali, DAP tăng dưới 1% lên 879 USD/tấn và 1.050 USD/tấn. Trong khi đó, ure giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó và còn 1.012 USD/tấn.
Diễn biến giá MAP. Nguồn: DTN
So với một tháng trước, giá MAP tăng 6%, UAN32 tăng 5%, ure và phân lót cùng cao hơn 4%, DAP và kali cùng nhích lên 3%. UAN28 tăng 2% và phân khô tăng 1%.
So với cùng kỳ năm ngoái, phân lót tăng 48%, MAP tăng 54%, DAP tăng 68%. UAN28, UAN32, ure cao hơn lần lượt 81%, 87% và 99%. Kali cao hơn 103% và phân khô cao hơn 117%.
Theo Fertilizer Pricing, chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ trên kênh Green Markets trong tuần kết thúc vào ngày 22/4 là 1.162 USD/tấn, nhích lên 3 USD/tấn so với tuần trước đó. So với đỉnh giá trong tuần kết thúc vào 25/3, giá giảm 9%.
javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(2010020);}else{parent.admSspPageRg.draw(2010020);}
Cách đây 14 năm, thị trường thế giới cũng chứng kiến đợt tăng giá phân bón. Trong tuần kết thúc vào ngày 11/8/2008, chỉ số giá là 916 USD/tấn, lập kỷ lục bấy giờ. Nguyên nhân là do nhu cầu tăng cao, dự trữ thấp và Chính phủ Mỹ, thị trường lớn của thế giới, điều chỉnh mức độ sản xuất. Những tháng cuối năm của 2008, thị trường hạ nhiệt.
Hiện tại, so với mức đỉnh năm 2008, giá phân bón đang cao hơn 39%. Cuộc chiến tại Ukraine, bắt đầu từ 24/4, tác động lớn đến thị trường phân bón, vốn đã nóng trước chiến sự. Nga, Belarus chiếm khoảng 40% xuất khẩu kali toàn cầu nhưng cả hai nguồn cung này đang bị ảnh hưởng. Nga chiếm khoảng 11% xuất khẩu ure thế giới và 48% amoni nitrate. Nga và Ukraine xuất khẩu khoảng 28% lượng phân bón nitơ, photpho, kali toàn cầu.
Tại thị trường Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, hiện nay diễn biến tình hình thị trường phân bón đang có nhiều biến động. Giá các loại phân bón thị trường thế giới và thị trường trong nước liên tục tăng cao, chủ yếu do hầu hết nguyên liệu dùng cho sản xuất phân bón trong nước phải nhập khẩu và các loại nguyên liệu này đã tăng giá mạnh thời gian qua. Tình trạng khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NP) cũng góp phần đẩy giá mặt hàng phân bón tăng cao.
Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời tránh gian lận trong quá trình thực hiện, căn cứ khung thuế suất quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.
Đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm sẽ có mức thuế suất thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 5%. Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5% như hiện hành.
Còn riêng đối với phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài chính trình Chính phủ giữ mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.